Người Châu Á nói chung và người Nhật Bản nói riêng, từ xa xưa đến nay, đều có sở thích uống trà. Cách thưởng trà của mỗi quốc gia đều thể hiện được bản sắc văn hóa riêng của đất nước đó. Vốn được biết đến với truyền thống lâu đời cùng sự cẩn thận, tỉ mỉ, văn hóa trà đạo Nhật Bản nổi tiếng cả thế giới như một phong cách sống đầy nghệ thuật. Cùng Toidi.net tìm hiểu chi tiết hơn về truyền thống này nhé.
I. Giới thiệu văn hóa Trà Đạo Nhật Bản
Lịch sử và truyền thống luôn được coi trọng tại Nhật Bản, vì vậy không có gì lạ khi người dân Nhật đến nay vẫn lưu truyền, giữ gìn văn hóa trà đạo Nhật Bản có tuổi thọ hơn 400 năm. Thưởng trà được coi là một thú vui tao nhã, thanh lịch cũng như một bộ môn nghệ thuật diễn ra trong cuộc sống thường nhật. Họ tỉ mỉ, cầu kỳ đến từng chi tiết như dụng cụ pha trà, cách pha, không gian hay các bước thưởng trà. Khách du lịch khi đến với đất nước mặt trời mọc cũng rất thích thú và mong muốn được trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm những công đoạn độc đáo này.
Có rất nhiều loại trà ở Nhật Bản, nhưng phổ biến nhất là các loại dưới đây:
– Sencha: Chiếm 80% sản lượng trà Nhật và được sấy ngay sau khi thu hoạch chống lên men.
– Houjicha: Lá trà Sencha đem sao ở nhiệt độ cao sẽ tạo thành Houjicha. Loại trà này được yêu thích vì mùi thơm ngào ngạt và chứa ít caffein và tannin.
– Matcha: Matcha là loại trà Nhật nổi tiếng thế giới. Sau khi hái, lá được hấp, sấy khô, loại bỏ cuống và gân rồi nghiền thành bột để sử dụng.
– Gyokuro: Lá trà này được nuôi trồng đặc biệt, tránh ánh sáng trực tiếp để giảm vị chat trong trà, dậy lên vị ngon đặc sắc.
– Bancha: Bancha được thu hoạch sau vụ của Sencha, nhưng do vị chat hơn và không thơm bằng nên thường sử dụng sau bữa ăn.
– Mecha: Là loại trà thượng hạng và có vị ngọt đậm tự nhiên.
– Kukicha: Loại trà này có hương thơm thoang thoảng và vị ngọt thanh dễ chịu.
Những bài viết hay về Nhật Bản, nhiều người đọc
II. Lịch sử hình thành văn hóa trà đạo Nhật Bản
Văn hóa trà đạo Nhật Bản đã hình thành từ rất lâu tại Nhật Bản, phát triển đặc biệt vào cuối thế kỷ XII. Vào thế kỷ thứ VIII (thời Nara), tuy trà đã được du nhập sang Nhật Bản nhưng chỉ dành cho giới quý tộc vì ít người biết được cách sử dụng.
Phải đến thế kỷ XII, một vị cao tăng người Nhật Bản là Thiền sư Eisai thuộc phái thiền Rinzai sang Trung Hoa học đạo đã đem hạt trà về nước và trồng trong sân chùa. Ông chính là tác giả của cuốn sách “Khiết trà dưỡng sinh ký” ghi lại thú thưởng trà và công dụng của loại lá này. Mùi thơm nhẹ nhàng, hương vị ngọt thanh, chat nhẹ cũng như sự thư giãn của trà đã khiến cho nhiều người dân Nhật Bản biết đến.
Vào cuối thế kỷ XVI (thời Azuchi Momoyama), ông Senno Rikyu đã thử kết hợp thú vui uống trà kết với tinh thần, triết lý thiền của Phật giáo và từ đó sản sinh ra nghệ thuật trà đạo Nhật Bản khác biệt, thanh tao, nhàn nhã. Người Nhật đã dần biến đổi việc uống trà đơn thuần học hỏi từ nước ngoài thành nghi thức truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc.
III. Ý nghĩa của văn hóa trà đạo Nhật Bản
Trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn giản là một thú vui để pha trà, uống trà mà nó gắn liền với đời sống tinh thần của người Nhật. Thưởng trà là khi họ dành thời gian giác ngộ, làm sạch tâm hồn và hòa mình với thiên nhiên. Ý nghĩa của văn hóa trà đạo Nhật Bản nằm ở 4 chữ: Hòa – Kính – Thanh – Tịch (和 – 敬 – 清 – 寂).
Ta có thể hiểu ý nghĩa của trà đạo Nhật Bản thông qua 4 từ này như sau:
– Hòa: Là sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, giữa những người cùng thưởng trà, hay người pha trà với dụng cụ pha trà. Từ đó, họ nhìn nhận, đề cao sự gắn kết, khăng khút với những điều đang có ở phút giây hiện tại.
– Kính: Thể hiện sự tri ân những người xung quanh, trân trọng cuộc sống, khiêm nhường và kiềm chế cái tôi cá nhân.
– Thanh: Là sự bảo vệ cái tâm thanh khiết, thánh thiện, hài hòa.
– Tịch: Khi người thưởng trà đã đạt được 3 chữ Hòa – Kinh – Thanh thì chữ Tịch sẽ xuất hiện. Tịch là khi tâm trí hoàn toàn được thư giãn, chỉ tập trung vào giây phút hiện tại với những cử chỉ, hành động, không gian thưởng trà xung quanh. Cũng giống như thiền, trong khi thưởng thức trà đạo Nhật bản, con người có thể cân bằng được tinh thần thì sẽ cảm nhận rõ ràng niềm hạnh phúc, an lạc.
IV. Không gian thưởng trà đạo Nhật Bản
Trong văn hóa thưởng trà, không gian trà đạo Nhật Bản thưởng trà rất quan trọng vì sự tĩnh lặng sẽ đem lại cho những vị khách một tinh thần thư giãn và hòa hợp với thiên nhiên. Không gian đó được gọi là phòng trà, nơi bày biện không quá phức tạp nhưng lại rất thanh tao, ấm áp, yên tĩnh cho người thưởng trà. Người chủ trang bị bếp lò, đầy đủ dụng cụ pha trà như ấm đun nước, trà,… trong phòng. Thường các phòng trà sẽ có nhiều cửa sổ làm bằng giấy, trên tường treo tranh và thư pháp, bình hoa cắm theo mùa.
Ở các quán trà đạo Nhật Bản, nhân viên sẽ đưa bạn đến phòng đợi, phục vụ một tách nước nóng. Khách được dẫn qua khu vườn để đến với phòng trà. Vườn trong khuôn viên phòng trà chú trọng vào sự trang nhã, thanh thoát, đem lại cảm giác thiền tịnh. Quý khách trước khi vào phòng sẽ rửa kỹ tay. Chủ nhà mặc kimono truyền thống đón tiếp khách trước cửa phòng trà. Theo truyền thống, cửa vào của người Nhật bao giờ cũng để thấp, mọi người muốn vào đều phải đi cúi để thể hiện sự kính trọng và khiêm tốn.
V. Các bước pha trà và thưởng trà
1. Dụng cụ pha trà đạo Nhật Bản
Để pha trà, người Nhật sẽ sử dụng những dụng cụ sau đây:
– Kama (nồi đun nước)
– Tetsubin (ấm đun nước)
– Chawan (bát trà)
– Natsume (hộp đựng trà)
– Chasen (dụng pha trà)
– Chasaku (thìa xúc trà)
– Chakin (khăn lau)
– Shaku (gáo múc nước)
– Futaoki (kê nắp nồi khi mở)
– Kensui (để nước bẩn)
2. Quy tắc thưởng trà
Khi tham gia một buổi uống trà đạo Nhật Bản, bạn nên chú ý một số quy tắc sau đây.
Quy tắc trong khi thưởng trà
– Không đeo các loại trang sức, kể cả đồng hồ.
– Phụ nữ không nên mặc váy ngắn, đàn ông không nên đi tất trắng.
– Không sử dụng nước hoa có mùi nồng vì hương nước hoa có thể ảnh hưởng đến mùi hương đặc trưng của trà. Bạn nên giữ một không gian thuần túy để cảm nhận được hết hương vị thuần khiết khi thường trà.
Quy tắc sau khi thưởng trà
– Sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ để lau cạnh bát, đây là hành động chứng minh bạn đã uống xong. Nếu uống trà đặc, bạn không cần phải uống hết nhưng đừng quên lau cạnh bát nhé.
3. Các bước pha trà và thưởng trà đạo Nhật Bản
Người Nhật luôn nổi tiếng với sự tỉ mỉ, trau chuốt trong từng hành động, công việc. Điều này cũng được thể hiện qua các bước pha trà, thưởng trà của họ. Cùng tìm hiểu để không bỡ ngỡ khi tham gia một buổi tiệc trà ở Nhật nhé.
Bước 1
Nước pha trà là điều đầu tiên phải đề cập đến trong nghệ thuật trà đạo Nhật Bản. Không bao giờ dùng nước đang sôi hay nước sôi 100 độ để pha trà. Nước pha phải được giữ trong bình thủy hoặc nấu trong ấm kim khí, sau đó đun trên bồn than lửa nhỏ để luôn giữ nhiệt độ từ 80 đến 90 độ C. Như vậy, nước trà sẽ đẹp mắt hơn nhiều.
Bước 2
Khi pha trà, tất cả chén trà và dụng cụ phải được tráng qua nước sôi để làm ấm, sau đó lau khô rồi mới được rót trà vào trong.
Bước 3
Trước khi đến bước này, người pha trà thường ngửi để phân biệt được các loại trà, từ đó quyết định được cách pha và lượng nước phù hợp sao cho trà không quá đặc hoặc quá loãng. Chén trà khi phục vụ cho khách cần đảm bảo được cả về hương vị và mùi thơm.
Một điều cần chú ý khi pha trà là lượng nước, nước phải đủ cho một lần rót trà chứ không còn sót lại. Nước tồn lại của lần rót trước có thể ảnh hưởng đến lượt trà kế tiếp, làm mất màu xanh tự nhiên của trà.
Với trà đạo Nhật Bản thông thường, người ta pha làm 3 lần:
– Lần 1: Sử dụng nước nóng 60 độ để pha trà bằng cách rót nước sôi từ bình thủy tinh ra một bình khác để giảm nhiệt độ. Sau đó, người pha ngâm khoảng 2 phút để trà ngấm rồi rót ra mời khách.
– Lần 2: Trà trong ấm đã ngấm và nở hơn so với lần 1, vì vậy người pha có thể dùng nước có nhiệt độ 80 độ C, sau đó đợi khoảng 40 giây rồi rót lượt 2.
Lần 3: Lần 3 sử dụng nước ở nhiệt độ 90 độ C và làm tương tự như lần 2.
Bước 4
Khi rót trà, người Nhật hạn chế việc độ đậm nhạt của các chén trà có độ đậm nhạt và mùi vị khác nhau. Vì vậy họ thường rót lần lượt 1/3 chén sau đó rót ngược lại lần thứ 2, thứ 3 cho đến bao giờ đầy chén.
Bước 5
Đến bước này, bạn có thể thưởng thức hương vị của trà. Người Nhật thường sủ dụng thêm một số loại bánh ngọt trong quá trình thưởng trà. Người uống phải ăn hết bánh trong miệng rồi mới uống trà để cảm nhận được tối đa vị ngon của từng loại trà xanh. Thái độ của thưởng trà cũng được lưu ý, khi uống, bạn hãy thể hiện sự kính trọng, lịch sự và vị thế của mình.
VII. Một số quán trà đạo ở Kyoto và Tokyo
Kyoto
– Trà quán Juan (Nhà ga Kyoto)
Quán trà đạo Nhật Bản Juan rất dễ tìm, nằm ở gần nhà ga Kyoto, là một trong những quán trà nổi tiếng nhất tại vùng này. Chủ quán trà – bà Kirihata vô cùng mến khách, bà có hiểu biết uyên thâm về trà cũng như khả năng nói tiếng Anh tốt. Quán trà Juan tuân theo những phương châm thiền định truyền thống của trà đạo.
Giờ mở cửa: Những buổi thưởng trà thường diễn ra trong 1 tiếng, từ 1 giờ đến 5 giờ chiều. Bạn có thể yêu cầu sắp xếp khoảng 11h đến 12h trưa hằng ngày.
Link đặt online: https://www.tearoomjuan.com/
Mức giá: 2.500 Yên.
– Quán Camellia
Camellia là quán trà mới nổi ở Kyoto, đặc biệt với không gian thưởng trà ngoài trời vô cùng yên tĩnh và tinh tế. Nhân viên vui vẻ, nhiệt tình cùng hương vị trà matcha uji đầy mê hoặc là điểm cộng của quán. Trà quán Camellia nằm tại khu Ninenzaka, giữa đền Gion và đền Kiyomizu.
Giờ mở cửa: 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều hằng ngày. Mỗi buổi thưởng trà kéo dài 1 tiếng.
Mức giá: 2.000 Yên
Tokyo
– Quán Maikoya
Trà quán Maikoya có mặt ở cả 3 thành phố lớn tại Nhật Bản: Kyoto, Osaka và Tokyo. Đến đây, bên cạnh dịch vụ thưởng trà thông thường, bạn sẽ được nghe giới thiệu về trà đạo Nhật Bản, mặc thử trang phục Kimono và trải nghiệm trà đạo cùng maiko Nhật Bản trong vòng 60 phút.
Địa chỉ: 2-19-15-9F, Kabukicho, Shinjuku, Tokyo.
Giờ mở cửa: 9 giờ đến 19 giờ hằng ngày. Mỗi buổi thưởng trà kéo dài 45 phút.
Website: https://mai-ko.com/jp/
Mức giá: $22 = 2.500 Yên cho dịch vụ thưởng trà 45 phút, $48 = 5.300 Yên cho dịch vụ thưởng trà và thuê kimono.
– Quán Happo-en
Trà quán Happo-en là nơi dành cho những vị khách thích tìm về với không gian đậm chất truyền thống và gần gũi với thiên nhiên. Du khách có tầm nhìn ra vườn cây bon sai lên đến 500 tuổi, thưởng trà trong không gian tĩnh lặng, thoải mái. Quán cung cấp 3 gói dịch vụ cơ bản: thưởng trà đạo, trải nghiệm trà đạo tại phòng trà truyền thống và trải nghiệm trà đạo tại phòng chiếu tatami.
Địa chỉ: 108-0071 1-1, Shirokanedai, Minato, Tokyo.
Giờ mở cửa: 11 giờ đến 16 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu. Quán yêu cầu đặt lịch trước.
Website: https://www.happo-en.com
Mức giá:
Thưởng trà đạo cơ bản: 1.100 Yên.
Thưởng trà trong phòng trà truyền thống: 2.200 Yên.
Trải nghiệm trà đạo Nhật Bản tại phòng chiếu tatami: 8.00 Yên.
Văn hóa Nhật Bản luôn là đề tài hấp dẫn cho du khách tìm hiểu và mong muốn được trải nghiệm. Trà đạo Nhật Bản được truyền từ đời này sang đời khác như một báu vật truyền thống, nuôi dưỡng vị giác và tâm hồn của người dân nước này. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp các bạn hiểu thêm về văn hóa trà đạo Nhật cũng như “note” ngay các quán trà nổi tiếng cho chuyến đi đến đất nước mặt trời mọc trong tương lai.
Những bài viết hay về Nhật Bản, nhiều người đọc
Discussion about this post